Các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh và EU cho biết không có bằng chứng nào cho thấy vắc-xin AstraZeneca Covid gây ra cục máu đông sau khi "xem xét kỹ lưỡng và cẩn thận".
Cơ quan Quản lý dược phẩm và Các sản phẩm y tế Anh (MHRA) khẳng định vacxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp nghiên cứu sản xuất không gây ra tình trạng máu đông - điều đã khiến một số quốc gia tạm dừng sử dụng loại vacxin này.
Một minh chứng rõ hơn nữa về tính an toàn của AstraZeneca đã được đưa ra từ cuộc thử nghiệm vacxin Oxford-AstraZeneca của Hoa Kỳ. Hơn 32.000 tình nguyện viên đã tham gia, chủ yếu ở Mỹ, nhưng cũng có một số đến từ Chile và Peru. Kết quả của cuộc thử nghiệm đã chứng minh rằng loại vacxin này có hiệu quả 79% trong việc ngăn chặn bệnh Covid có triệu chứng và 100% hiệu quả trong việc ngăn chặn những người bị ốm nặng và không có vấn đề an toàn nào liên quan đến cục máu đông. Điều này đã trấn an một số quốc gia EU trong việc triển khai tiêm chủng vắc-xin và một số nước đã bắt đầu sử dụng trở lại khi cơ quan quản lý dược phẩm của Châu Âu đã hoàn thành việc xem xét và cũng kết luận loại vắc xin này là an toàn và hiệu quả.
Một thử nghiệm khác do các chuyên gia tại Đại học Columbia và Đại học Rochester phối hợp với AstraZeneca thực hiện - cũng có thể chứng minh tính an toàn của vacxin trong việc bảo vệ người cao tuổi chống lại bệnh Covid-19. Một số quốc gia ban đầu đã không cho phép sử dụng vacxin này ở người lớn trên 65 tuổi, với lý do thiếu bằng chứng. Khoảng 1/5 số tình nguyện viên trong thử nghiệm này trên 65 tuổi và được tiêm hai liều vacxin, cách nhau bốn tuần. Tất cả những người trên 65 tuổi này đều an toàn đã cung cấp thêm bằng chứng về khả năng bảo vệ người cao tuổi khỏi Covid-19, cao hơn nhóm người trẻ tuổi.
Ảnh minh hoạ
Các nghiên cứu của các nhà khoa học Đức và Áo cũng đã tuyên bố tìm ra nguyên nhân vắc xin AstraZeneca gây chứng đông máu
Ở một khía cạnh khác, các nhà khoa học Đức và Áo cũng đã tuyên bố tìm ra nguyên nhân vắc xin AstraZeneca gây chứng đông máu và giải pháp chữa trị dứt tình trạng này khi nó vừa xảy ra. Theo Đài Deutsche Welle của Đức, các nhà nghiên cứu Bệnh viện Greifswald ở miền bắc nước Đức công bố đã phát hiện nguyên nhân gây ra tình trạng đông máu khác thường ở số ít người tiêm vắc xin COVID-19 của Hãng AstraZeneca. Theo đó, vắc xin AstraZeneca dường như đã kích hoạt hệ miễn dịch sinh ra một loại kháng thể tự miễn có thể gây đông máu trong não. Cơ chế này có vẻ giống cách virus SARS-CoV-2 gây ra tình trạng đông máu ở bệnh nhân COVID-19 nặng, nhưng rủi ro với vắc xin thấp hơn nhiều. Phát hiện trên đồng nghĩa các bác sĩ có thể chữa cho những người bị đông máu bằng các loại thuốc chống đông máu thông dụng, vốn cũng đã được áp dụng cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Các nhà nghiên cứu cho biết phương pháp điều trị chỉ có thể được dùng khi người tiêm vắc xin đã xuất hiện chứng đông máu, không thể dùng như một biện pháp ngăn ngừa sớm.
Thông tin hiện đã được chia sẻ với các bệnh viện trên khắp châu Âu. Công trình nghiên cứu hợp tác giữa Bệnh viện Greifswald, Viện Paul Ehrlich (PEI) - Cơ quan Quản lý y tế Liên bang Đức và các bác sĩ của Áo chưa được đăng tải trên tạp chí khoa học nên hiện vẫn chưa nhận được ý kiến từ các chuyên gia độc lập.
Tỷ lệ gây đông máu sau khi tiêm vacxin Covid-19
Theo MHRA (tính tới ngày 28/2) 11,5 triệu người tại Anh đã tiêm Pfizer thì có 38 trường hợp bị đông máu, trong khi 9,7 triệu người tiêm AstraZeneca có 30 trường hợp. Có nghĩa là tỉ lệ bị đông máu trên 1 triệu người sau khi tiêm Pfizer (3.30) còn cao hơn sau khi tiêm AstraZeneca (3.06).
Bà Emer Cooke, Giám đốc điều hành EMA, hôm 15/3 cho biết các loại vacxin khác đã được EU phê duyệt là Pfizer và Moderna cũng có số trường hợp đông máu tương tự như AstraZeneca.
Có lẽ vì thế rất nhiều khoa học gia Anh cảm thấy quyết định theo nhau ngưng tiêm AstraZeneca của các chính phủ tại EU là một điều vô cùng khó hiểu, nhất là khi châu Âu đã và vẫn đang là nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19.
Các nước có nên tiếp tục tiêm chủng vacxin AstraZeneca nữa hay không?
Ngày 18-3, Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) thông báo "không tìm ra mối liên hệ trực tiếp giữa vắc xin AstraZeneca và chứng đông máu" dựa trên những thông tin họ có. Cơ quan này cho rằng "lợi ích của vắc xin vẫn lớn hơn rủi ro có thể có".
Sau hướng dẫn mới, Đức và nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu nối lại chương trình tiêm chủng bằng vắc xin AstraZeneca từ ngày 19-3.
Cơ quan y tế Châu Âu khuyến cáo những người đã tiêm vắc xin AstraZeneca có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, xuất hiện vết bầm tím bất thường, đau ở ngực hoặc dạ dày, sưng hoặc lạnh ở cánh tay hoặc chân hoặc thị lực giảm kéo dài hơn 3 ngày cần phải đi khám lại.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/3 nhấn mạnh việc tiêm vacxin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca mang lại lợi ích lớn hơn bất kỳ nguy cơ nào, do đó các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nên tiếp tục sử dụng loại vacxin này.
Hiện tượng đông máu được cho là thường xuyên xảy ra và là nguyên nhân gây bệnh tim mạch phổ biến thứ 3 trên toàn cầu. Việc chủng ngừa COVID-19 sẽ chỉ có tác dụng phòng chống Covid-19 và không thể làm giảm bệnh tật hoặc tử vong do các nguyên nhân khác. Trong các chiến dịch tiêm chủng mở rộng, các nước thường xuyên thông báo những tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm chủng, song không hẳn toàn bộ các triệu chứng xuất hiện sau đó là hệ quả của việc tiêm chủng.
Ủy ban Cố vấn toàn cầu của WHO về an toàn vacxin đang thận trọng đánh giá dữ liệu an toàn mới nhất và sẽ công bố ngay khi có kết quả.
Commenti